CHÀO MỪNG THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐẾN VỚI BLOG HOANGDIEUBAXUYENAUSTRALIA.KÍNH CHÚC TẤT CẢ VẠN SỰ NHƯ Ý. DỒI DÀO SỨC KHỎE,THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.

Wednesday, October 8, 2014

Mùi áo lính



Hôm nay tui lãng mạn một chút cho vui cuộc đời.
Tui muốn viết về tình yêu.
Úy chu choa quơi! Đời mà không có tình yêu thì chán chết. Tẻ ngắt, chua lè.

Tình yêu là đầu dây mối nhợ cho biết bao nhiêu nhì nhằng, đau khổ, sướng rên và cũng lâm ly bi
đát trên cõi đời này.
Chả thế mà mẹ chúng mình sinh con gái ra thương quá là thương. Rồi thì chắt chiu gìn giữ. Sợ con
yêu nhầm, sợ con lạc bước. Sợ đủ thứ và tưởng tượng nhiều thứ mỗi khi con vắng nhà.
Bởi vì con đường đó mẹ đã bước qua, mẹ là tấm gương trước mắt. Khi gương sáng, đẹp thì mở ra
cho con coi. Khi quá khứ tối mù đau thương thì giấu kín tận đáy con tim vỡ nát. Giấu để nghiền
ngẫm nỗi buồn, để lo sợ cho con. Để bảo vệ con bằng tất cả tình thương và những lời giáo huấn.

Cái hồi chúng mình còn con gái mơn mởn má đào là thời kỳ chiến tranh.

Tình yêu trong thời kỳ chinh chiến nó nhiều màu sắc lắm. Nó cuồng nhiệt, nó lãng mạn mà cũng
nhiều thú đau thương.
Bạn có đồng ý với tui không?

Này nhé biết bao bài hát, lời ca để nói về lính và các mối tình em gái hậu phương.

Mà thiệt ra thời buổi chiến tranh đó không lấy lính thì chỉ có nước lấy ông già hay mấy tên tàn tật
bị lính chê. Hoặc giả lấy mấy anh chàng trốn lính vào bưng làm du kích. Còn mấy ông hoãn dịch vì
lý do gia cảnh rồi thì cũng từ từ khăn gói vào Quân trường khi bị Tổng động viên.

Thiệt ra hồi tui còn lang thang đón xe đò lên Sài Gòn vào văn khoa thì mấy bài ca về lính tụi tui
không có phê đâu. Cứ chê nhạc “Sến” dù đôi khi thấm tình, hợp cảnh cũng lôi ra rên rỉ.

Nhưng nhạc sinh viên mê và hợp thời thượng nhất là nhạc Pháp, nhạc Từ Linh, Đoàn Chuẩn, Trịnh
Công Sơn, Phạm Duy… nghĩa là nhạc cao cao hơn. Hổng hiểu cao tới đâu nhưng dường như là
phong trào lúc đó.

Tui thì không lãng mạn bồ bịch vì má tui khó lắm. Bà cứ lấy nước mắt ra mà hù tui.
- Con thấy rồi đó ! Ba mày vợ lớn, vợ nhỏ lung tung. Má chỉ có mình con con gái. Con có bề nào
má xấu hổ má chết cho con coi.
Ui ! bài ca con cá má tui hát hoài mà khán giả là tui không vỗ tay là không được. Nên tui đành trốn
chạy tình yêu.

Thế mà ông tơ bà nguyệt cà chớn thiệt, cột cái dây tơ hồng vào chân tui hồi nào tui cũng không
biết. Mới lúc trước thấy cái mặt khó ưa, nói năng trọ trẹ không hiểu gì hết trơn, lại lì lợm tới nhà
người ta ngồi lì hoài không biết mắc cở.

Thế rồi … Ủa sao mình thấy nhớ nhớ vậy ta. Sao hôm nay hắn không tới ? Không biết có đụng
trận không? Nếu hắn bị thương mình có nói láo má đi thăm hắn không ?
Cái đầu lung tung thứ nghĩ về hắn, nhớ hắn cho mình tức, mình giận chính mình.
Thiệt là kỳ ! Hổng lẽ :
- Bừng con mắt dậy biết mình đã yêu.

Cái dáng ốm ốm cao cao, nụ cười nửa miệng và bộ đồ Treillis có cái mùi lạ lạ, quen quen.
Cái mùi áo lính kỳ kỳ đó mê hoặc tui lúc nào tui cũng không ngờ.

Các bạn từng là vợ lính có cảm giác giống tui không ?

Dường như áo lính có cái mùi rất lạ.

Mùi đàn ông, mùi chinh chiến, mùi chỉ có lính mới có tui không cắt nghĩa được. Nó không phải là
mùi mồ hôi vì khi chàng mà đến thăm tui thì thay bộ đồ Treilli ủi thẳng nếp. Giày cũng soi gương
được và hàm râu cắt tém rất phong độ.
Chàng về rồi, trong nhà vẫn còn mùi áo lính, nó làm tui bị vây chặt trong không gian có chàng
quanh quẩn. Tui nhiều lần chống trả bản thân là không nghĩ, không nhớ, không lo. Nhưng con tim
thao thức chờ đợi, nó chụp hình chàng trong đó cho tui không thể so sánh chàng với ai để mà chọn
lựa. Chàng chỉ là chàng của tui, của trái tim tui.
Thế mới chết các bác ạ!

Tui nhắn con nhỏ bạn thân nhất của tui:
- Mày lên đây với tao, coi thử tên này có được không ? Hắn tới nhà tao hoài. Tao không biết làm
sao ?
Con nhỏ bạn từ Sài gòn khăn gói lên nhà tui. Nó nhìn cái tướng tui đứng ngồi không yên, nó phán
một câu xanh lè :
-Thôi đi má ! Mày chờ đợi kiểu này thì mày yêu chỏng gọng rồi còn hỏi tao gì nữa.
Thế rồi:

- Dù ai nói ngã nói nghiêng.
Tim em cũng chỉ là riêng của chàng.

Hồi đó trước mặt chàng tui cũng lắc đầu ngoay ngoảy. Mặt vẫn tỉnh queo. Nhưng đàn ông mà, họ
biết tẩy ngay tui đã cắn câu. Thế là không cần tỏ tình cho tốn nước miếng, tốn hoa, tốn quà. Chàng
của tui chơi kiểu nhà binh đánh nhanh rút gọn. Chàng a thần phù một buổi trưa mùa hè đẹp trời
chàng bước vào nhà ba má tui.

Trời đất thánh thần ơi ! Ba tui nhìn chàng hết hồn, má tui lấm lét ngó xung quanh. Đây là vùng xôi
đậu, bốn bên Việt Cộng nằm vùng. Một tên Sĩ quan ăn mặc chỉnh tề hỏi từ đầu xóm đến cuối làng
tìm con gái ba má tui.

Tui bước ra cửa thấy chàng mặt tui tái mét. Dù đã đi dạy rồi nhưng tui là con gái ngoan của ba má.
Tui không biết phen này mình lãnh án tử hình hay chung thân hoặc tha bổng với án treo.
Chàng cười cầu tài, cúi đầu lễ phép và nói :
- Như ri là trụng rồi. Con tìm nãy chừ giờ mới đúng nhà ni.

Úy mèn ơi ! Má tui há hốc miệng, bà già không hiểu gì hết trơn. Ba tui thì hiểu bằng sự phán đoán
tinh tế của đàn ông và mời chàng vào nhà. Tui rót nước rồi rút vào nhà sau.
Chàng lễ phép thưa với ba má tui là chàng và tui đã tìm hiểu và yêu thương nhau. Vì mẹ chàng còn
ở ngoài Huế chưa vào kịp. Chàng xin phép tới thăm trước để khi mẹ chàng vào sẽ đem lễ vật tới
nhà. Chàng xin ba má tui cho chàng được tới nhà riêng của tui để thăm viếng danh chánh ngôn
thuận.
Má tui không nghe được giọng Quảng Trị nên cứ ờ ờ ! Còn ba tui hỏi dăm ba câu rồi cũng gật đầu,
kêu dọn cơm lên cho chàng ăn để còn về sớm.

Chàng về rồi tui lảnh nguyên bốn viên đạn lửa lên nòng xuất phát từ hai đôi mắt của ba má tui. Ba
tui kêu tui ngồi xuống ghế và từ từ, nhẩn nha tuyên bố :
- Ba má không ép con, con đã chọn thì con ráng chịu. Sau này “Sướng khổ là do con”
Còn má tui ứa nước mắt :
- Sao lại ưng người Huế ? Nó nói con có hiểu không mà thương nó. Trời ơi ! Ớt mà nó dám cầm
nguyên trái cắn thì nó khó và dữ lắm con ơi !

Tui hả ? Tui nghẹn lời. Nói không cũng không được vì hình như tui đã yêu. Mà nói đã yêu để lấy
chồng thì cũng không đúng vì tui chưa có một lời ước hẹn.
Ba tui là người ngay thẳng, chính trực. Ông bảo :
- Ba đã hứa với nó rồi. Một lời như đinh đóng cột. Má nó vô đem trầu cau dạm hỏi là con đã có
chồng.

Thế là tui đi lấy chồng mà không biết ất giáp gì về bên nớ. Cũng may miền Nam nắng đẹp hai mùa.
Má chồng tui khăn gói vào Nam cưới dâu rồi mọc rễ luôn ở Biên Hòa.

Tui trở thành vợ lính và gắn liền đời mình với mùi áo lính.

Cái mùi lính ấy thật lạ, dù áo đã giặt rồi, phơi khô, ủi kỹ nó vẫn có cái mùi hăng hăng, thơm thơm.
Người ta nói đó là mùi da thịt của chồng nên mình quen hơi. Chim quyên quen chậu, vợ chồng
quen hơi í mà.

Thật ra tui cũng không biết người khác đi lính có cái mùi đó không ? Nhưng chồng tui quả thật
cho tui cái mùi mà mỗi khi nhớ, chỉ có cái áo lính của chồng, tui mới tìm lại được những cảm giác
có anh bên cạnh.

Khi chàng đổi đi xa hay đi tù CS, tui vẫn giữ lại bộ đồ lính, nhất là cái áo để theo tui những lúc ra
ngoài đồng làm việc. Mùi đó từ từ theo năm tháng, theo mưa gió, theo sông nước quê người đã
không còn hiện hữu.

Nó phôi pha theo người lính buông súng bại trận và xa hẳn Quê hương.

Bây giờ, thú thiệt cái mùi đó mất rồi kể từ khi chàng trở về từ trại tù Cộng Sản. Không còn cái áo
lính nào cho tui giữ lại để lấy hơi.

Và nếu đó là mùi mồ hôi chồng thì tui xác định không phải. Vì bây giờ chàng cũng có mồ hôi.
Nhưng tất cả các áo anh mặc không hề có cái mùi ngày xưa.

Cho nên cái áo lính do vải, do hồ, do nhiều thứ của một thời chinh chiến cộng lại. Quyện với mồ
hôi chồng tui cho tui có những hồi ức đẹp khó quên trong đời.

Tui yêu chồng tui và yêu vô cùng mùi áo lính của anh.

Mùi áo lính yêu thương của một thời kỷ niệm.

Tui lại làm thơ nè:
Mùi áo Lính

Em vẫn nhớ áo anh mùi thật lạ
Mùi mồ hôi của một thuở yêu thương,
Mùi của anh cho em mãi vấn vương,
Của gió, cát và máu xương người lính.
Em vẫn nhớ như in nhiều năm tháng
Một mùi hương la lạ rất dễ thương
Áo treillis anh mặc của chiến trường,
Mùi áo lính, em yêu và em nhớ.
Áo của anh giặt bao lần không rõ,
Vẫn cho em một cảm giác yêu thương
Mùi hôi chồng xen lẫn chút gió sương
Làm ngây ngất con tim người vợ trẻ
Bốn mươi năm qua đi rồi và có lẽ
Áo treillis xưa rách nát không còn
Áo như anh xơ xác với nước non.
Làm thắt lại tim em, khi nhớ mùi áo lính.



Nguyễn Thị Thêm