CHÀO MỪNG THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐẾN VỚI BLOG HOANGDIEUBAXUYENAUSTRALIA.KÍNH CHÚC TẤT CẢ VẠN SỰ NHƯ Ý. DỒI DÀO SỨC KHỎE,THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.

Saturday, November 29, 2014

Đại hạ giá

 
Thời buổi này còn cái gì không hạ giá nhỉ? Sách vở, quần áo, đồ điện tử v...v... hạ giá! Tôi cầm mảnh bằng đại học cạ cục mãi chưa tìm ra việc làm, cũng nhào ra vỉa hè bán sách đại hạ giá. Từ Victor Hugo, Leon Tolstoy, Tagore, Dostoievski... đến Khái Hưng, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng... cả thảy đều bị “hạ” nằm la liệt. Lắm lúc ngồi chồm hổm nhìn xuống các tên tuổi từng “vang bóng một thời”, tôi thầm hỏi:
- Nên cười hay nên khóc, thưa chư liệt vị?
 
Cách đây ít lâu, một ông lão hình dáng tiều tụy mang đến bán hai pho sách dày. Một cuốn là “Hán Việt Từ Ðiển” của Ðào Duy Anh do Khai Trí tái bản. Cuốn kia là “Petit Larousse Illustré” in tại Paris năm 1973. Sách còn tinh tươm lắm, hẳn chủ nhân đã xài rất kỹ. Thấy giá rẻ, tôi mua. Loại ấn bản này đây, gặp loại khách biên biết, bán cũng được lời.
Ngoài bìa và một số trang ruột của mỗi cuốn, đều có ấn dấu son hình ellipse: “Bibliothèque - Ðô Bi - Professeur”. À, té ra ông lão vốn từng là giáo chức. Thảo nào! Cất tiền vào ví rồi mà ông cứ dùng dằng nuối tiếc, ngoảnh lại nhìn những tài liệu - tài sản phải đứt ruột bán đi. Ngoái mãi mấy lần rồi ông mới dắt chiếc xe đạp cà tàng đạp về. Mắt ông đỏ hoe. Lòng tôi chợt se lại!
 
Chiều 25 Tết. Ngồi cạnh các danh tác tôi vẫn lim dim, thấp thỏm, chồm hổm ra đấy. Qua đường không ai thấy, lá vàng rơi trên giấy. Sài Gòn chả có mưa bụi cho đủ khổ thơ Vũ Ðình Liên. Nhưng bụi đường thì tha hồ, đủ khổ thứ dân lê lết vệ đường như tôi.
- Anh mua bánh bò, bánh tiêu?
Một chị hàng rong đến mời. Tôi lắc đầu. Bỗng chị sững người chăm chú nhìn vào hai bộ từ điển. Chị ngồi thụp xuống, đặt sề bánh bên cạnh, cầm hết cuốn này đến cuốn kia lật lật. Rồi chị hỏi giá cả hai. Ngần ngừ lúc lâu, chị nói:
- Anh có bán... trả góp không?
- Trời đất ơi! Người ta bán trả góp đủ thứ, chứ sách vở, sách đại hạ giá ai đời bán trả góp? Vả lại, tôi nào biết chị là ai, ở đâu?
- Tôi cần mua cả hai - chị nói tiếp - xin anh giữ, đừng bán cho người khác. Khi nào góp đủ, tôi sẽ lấy trọn. Anh thông cảm làm ơn giúp tôi.
Thấy lạ, tôi hỏi chuyện mới vỡ lẽ. Ðô Bi chính là thầy cũ của chị hàng rong. Chị Tám (tên chị) bất ngờ thấy có dấu son quen, hiểu ra hoàn cảnh của thầy, bèn nảy ý chuộc lại cho người mình từng thọ ơn giáo dục. Song, bán bánh bò bánh tiêu nào được bao nhiêu, lại còn nuôi con nhỏ, không đủ tiền mua một lần nên chị xin trả góp.
Tôi cảm động quá, trao ngay hai bộ từ điển cho chị Tám:
- Chị hãy cầm lấy, kịp làm quà Tết cho thầy. Tôi cũng xin lại đúng số vốn mà thôi, chị à.
- Nhưng...
- Ðừng ngại, chị trả góp dần sau này cũng được.
Chị lấy làm mừng rỡ, cuống quít trả tôi một ít tiền.
- Chao ôi, quý hóa quá! Cảm ơn... cảm ơn... anh nhá!
Mai lại, chị Tám trả góp tiếp. Chị kể :
- Thầy Bi thảm lắm... Gần Tết, cô lại ngã bệnh... Thầy nhận sách, mừng mừng tủi tủi tội ghê, anh à!... Thầy cũ trò xưa khóc, khóc mãi!
Tôi vụt muốn nhảy cỡn lên và thét to:


Hỡi ông Victor, ông Lev, ông Dostoievski... ơi! Ông Khái, ông Vũ, ông Ngô... ơi! Có những thứ không bao giờ hạ giá được! Có những người bình thường, vô danh tiểu tốt nhưng có những kiệt tác không hạ giá nổi, đó là ‘Tấm lòng’ ”.

Mùa hoa phượng tím



Ruột thịt tình thâm






Image
Ruột thịt tình thâm



Tin chị Thơm bị chồng bỏ lan ra nhanh chóng đầu trên xóm dưới .


Có người nói tội nghiệp chị đẹp người đẹp nết , con nhà ăn học mà số long đong .

Nhưng có người lại mừng dùm và họ coi đó như giải pháp mà ông trời giải thoát cho chị khỏi cảnh khổ .

Chị Thơm là con gái duy nhất trong ba người con của thầy giáo Thức ở xứ này .
Thời sinh tiền lúc còn sống thầy và ông chủ tiệm vàng Kim Vinh là bạn tâm giao nối khố có nhau dù một người làm buôn bán một người theo nghiệp chử nghĩa thánh hiền .

Ngay khi chị Thơm chỉ là trẻ thơ lúc nghe ông Vinh muốn kết thông gia cho hai gia đình càng thân hơn, thầy giáo Thức đã đồng ý ngay.

Thơm từ nhỏ đã sáng dạ học đâu nhớ đó , thương con nên lớn lên ba chị cho chị lên ở nhờ nhà người cô ruột trên Sài Gòn để tiếp tục việc học .

Năm đó tự nhiên ông Vinh bị một căn bệnh lạ, chạy chữa nhiều thầy thuốc mà bệnh có vẻ không thuyên giảm.


Khi thầy giáo Thức sang thăm ông bèn nhắc chuyện xưa và muốn tiến tới hôn nhân cho con trai mình. Trước là được yên lòng nhắm mắt vì con nên bề gia thất do ông Vinh biết rất rõ Thơm là cô gái rất tốt. Thêm vào cái hy vọng là biết đâu hôn lễ xua đi được cái vận hạn xui xẻo đang đè ám gia đình ông.


Năm 19 tuổi Thơm được ba mình gọi về quê và lấy chồng trong cái không khí gấp rút của đám cưới đang chuẩn bị. Lúc đầu Thơm phản đối bằng cách bỏ ăn và khóc lóc không ngừng. Nhưng đến khi ba chị dọa thắt cổ tự vận nếu chị dám từ hôn làm trái ngược lại lời hứa mà ông coi trọng như núi. Đến nước đó thì Thơm hết cách đành theo ý ba mình về làm vợ Huấn.


Cứ tưởng Huấn chồng chị Thơm lấy được người vợ như chị, anh ta hẳn vui mừng mới đúng. Nhưng vốn tính nhỏ nhen thêm vào chất gia trưởng Huấn thấy chướng mắt vì sự học vấn của vợ. Trong khi chị vận dụng cái giỏi giang của mình để gánh vác việc nhà chồng thì Huấn sau khi tỏ rỏ đường đi lối về với cô vợ trẻ anh ta lại miệt mài với những thú vui tình ái bên ngoài. Từ khi sinh Thu con gái đầu lòng chị Thơm nhiều lần khuyên chồng nên để đức cho con đừng đi gạt gẫm những cô gái khác nhưng Huấn gạt bỏ ngoài tai. Thậm chí nhiều lần còn hạ cẳng tay, thượng cẳng chân với chị khi say. Nhất là sau khi ba chồng chị là ông Vinh qua đời thì Huấn không còn phải e dè, kiêng kỵ̣ ̣một ai.


Một lần đoàn gánh hát của ông bầu Tám Ít về đây hát, Huân đi xem và đâm ra mê mệt Hai Như cô đào nhì của gánh.

Khác với những lần trước lần này Huấn trong mắt Hai Như là con mồi lớn nên Hai Như quyết không buông, cô xõ mũi Huân một cách nhanh chóng. Vốn xuất thân lang bạt nên Hai Như không dể dàng gì trở thành trò chơi của Huân cô buộc Huân phải cho cô danh chính ngôn thuận khi cô có mang.


Thế là sau 9 năm, chị Thơm đành chịu tiếng bị chồng bỏ bởi không chịu nổi sự cay nghiệt cũng như những trận đòn thừa sống thiếu chết của Huân gần đây. Thầy giáo Thức ba của chị cũng qua đời vài năm trước đó nên chị cũng không muốn níu kéo.


Chị đồng ý ra đi với hai bàn tay trắng không làm phiền Huân cưới vợ mới nhưng bù lại Huân phải để chị dẩn bé Thu lúc này được 5 tuổi đi theo mình .

Buồn cho phần số dang dở của mình và cũng không muốn ở lại quê nơi có nhiều kỷ niệm gợi chuyện phiền lòng chị Thơm dẫn con gái lên lại Sài Gòn.

Ban đầu chị tá túc ở nhà cô ruột như trước. Sau đó chị mang số tiền cha mẹ ruột cho phòng thân khi xuất giá lấy chồng làm vốn mua bán.

Chị mở một sạp bán trái cây và thuê căn nhà nhỏ gần đấy cho tiện việc đi về mẹ con chị sống yên ả vui vẻ với nhau.


Dạo gần đây có một anh chàng người Mỹ thường ghé mua trái cây chổ chị. Anh ta gây sự chú ý cho Thơm bởi anh ta nói được tiếng Việt rất rành khác với những anh chàng Mỹ lớ ngớ thỉnh thoảng vẩn ghé chổ chị mua hàng.

Anh chàng người Mỹ John Smith ấy cũng thật bất ngờ khi thấy cô chủ hàng nói rất chuẩn thứ ngôn ngữ mẹ đẻ của mình và là một người có ăn học.

Lúc đầu chỉ là trò chuyện xã giao lâu dần họ thành bạn. Dù hai người cách xa nhau về hình thức lẩn nơi sinh trưởng nhưng họ lại khá hợp nhau trong nhiều cách nghĩ. Hơn một năm sau John ngỏ lời với muốn cưới Thơm làm vợ.

Phần Thơm thật sự chị dành rất nhiều cảm tình cho John nhưng chị cũng e ngại sự cách biệt và tiếng đời thường mĩa mai những người phụ nữ lấy Mỹ thời đấy nên chị còn lưỡng lự chần chừ. Nhưng tấm chân tình của Louis khiến chị cảm động. Hai năm từ ngày họ quen biết chị dẹp cửa hàng về làm bà Smith.


Mười mấy năm trôi qua gia đình chị Thơm có thêm một trai hai gái. Peter được 13 tuổi , Mary 11 tuổi và Ann 9 tuổi.

Ngoài xã hội John là người khá thành công về kinh doanh nhưng khi về nhà John là người chồng có trách nhiệm. Anh ta đối xử với Thu cũng như những đứa con khác của mình hết mực yêu thương không hề có sự phân biệt. Gia đình họ sống đầm ấm hạnh phúc ngoài những lúc đến trường ở nhà chị Thơm vẩn gọi con bằng những cái tên tiếng Việt là Phú , My và Ái .

Khác biệt nhau về mái tóc và cả màu da nhưng bốn chị em Thu lại quấn quít hòa thuận, luôn gắn bó bên nhau không rời .


Năm 1975 lúc này Thu đã 21 tuổi đang theo học một trường Dược ở Sài Gòn.

Một ngày chị Thơm nhận được tin Huấn chồng cũ của chị tức là ba ruột của Thu ở quê qua đời đột ngột vì một cơn đột qụy. Đúng ra chị Thơm không muốn về bởi tình hình lúc đó có nhiều thay đổi và Huấn từ lâu không hề nhắc nhở hay đá động gì tới đứa con gái của mình là Thu. Nhưng cuối cùng chị cũng dẫn Thu về chịu tang cho đúng phép tắc dù gì họ cũng là cha con. Phần chị thì xem như nghĩa tử nghĩa tận đến thắp một nén hương cho phải đạo làm người, hơn nữa chị không an tâm để Thu về một mình.



Sau đám tang ngay lúc chị chuẩn bị trở về Sài Gòn thì thời thế thay đổi trong một đêm phải chờ đến cả tuần sau và bằng nhiều cách mẹ con chị mới lặn lội trở về được Sài Gòn. Nhưng khi chị Thơm và Thu lên tới Sài Gòn thì mọi chuyện đã khác lạ hoàn toàn .

Dâu bể đổi dời chỉ trong khoảng thời gian ngắn, chị không thể vào được nhà cũ bởi chúng bị tịch thu nên chị không lấy được thông tin hay địa chỉ liên quan gì tới chồng mình ở Mỹ .

Cũng không thể hỏi thăm ai giữa cái lúc hỗn loạn ấy chị dành dẫn Thu nương náu, mưu sinh ở một quận gần đó và cố gắng hết khả năng để nghe ngóng liên lạc với chồng và con của mình trong vô vọng.



Ngày xưa vì người ở quê hay kỳ thị, dè bĩu và lo cho sự an toàn của chồng vào thời còn chiến tranh. Chị Thơm chỉ dẫn duy nhất Peter về quê ngoại chơi hai lần mà thôi. Không cho John cùng hai con gái nhỏ về thăm quê lần nào. Bởi má chị vẫn lên thăm gia đình chị ở Sài Gòn thường xuyên. Do chị cũng ỷ y đâu có dè cuộc đời có những thay đổi như vậy.

Thời gian dần trôi không một tin tức nào về họ dù là sống chết. Phần lo lắng thương nhớ con nên sức khoẻ chị Thơm mỗi ngày một kém. Rồi chị qua đời vào một đêm mưa sau cơn bệnh trong tay vẩn còn nắm chặt tấm ảnh gia đình của mình.

Lúc lâm chung không biết có phải còn tiếc nuối hay ấm ức mắt chị mở trừng trừng khiến Thu khóc than tức tưởi khấn nguyện rằng sẽ cố gắng tìm được những đứa em và mang chúng về.



Phần John Smith vào lúc mọi người nhốn nháo rồng rắn di tản dù không muốn bỏ vợ mình lại nhưng John không còn cách nào khác hơn đành dẫn ba người con của mình lên máy bay về Mỹ trong nổi đau đáu lo lắng. Khi về đến xứ sở anh ta cũng cố gắng liên lạc với vợ mình nhưng ngoài tên họ của vợ và con gái. John chỉ biết thêm địa danh quê vợ là Xào Bân chứ không hề có thông tin gì khác. Đường phố còn thay đổi tên thì nói chi muốn tìm một con người giữa cái đất Sài Gòn mênh mông ấy.

Ba năm sau trên đường đi làm về John qua đời trong một tai nạn giao thông thảm khốc. Những đứa con của anh được chuyển về sống với ông bà nội ở bang Texas.

Gia đình họ lạc nhau từ đó...


*****

Ba mươi lăm năm sau

Thu bây giờ tóc đã bạc hơn phân nửa và lên chức bà Ngoại chị lấy chồng có được ba người con. Chồng chị là người đàn ông tốt và hiền lành .

Các con chị vẫn sống và làm việc ở Sài Gòn. Còn chị và chồng về sống ở quê vào 5 năm trước trên mảnh đất hương hỏa của bà Ngoại chia cho mẹ chị ngày xưa, vui thú cùng vườn cây ao cá, như bao người có tuổi khác .

Cuộc sống chị êm đềm, hạnh phúc như bao gia đình an phận bình thường nhưng dù bao năm trôi qua trong lòng Thu vẫn không quên được nỗi nhớ về những người em của mình .

Thỉnh thoảng nhìn những tấm ảnh cũ đã úa vàng mà chị lưu giữ như một báu vật, chị lại chảy nước mắt.



Chị khóc khi hồi tưởng cái khoảng khắc ngày xưa đút cơm cho những đứa em của mình. Chị nhớ rõ đứa nào thích ăn gì, tính nết ra sao.

Nhớ lúc chạy giỡn trong khoảng sân nhỏ cùng nhau giờ không biết họ lưu lạc phương trời nào và có bình an không ?.

Hiểu nỗi khổ tâm bao năm của chị Thu các con chị cũng giúp mẹ bằng mọi cách họ có thể .

Từ những phương tiện thông tin hiện đại đến nhờ cả đại sứ quán giúp đỡ, nhưng thông tin qúa ít ỏi và trôi qua nhiều năm nên sự tìm kiếm của họ cũng rơi vào im lặng.



Peter, Mary và Ann hiện tại cũng đã có gia đình và con cái họ khác xưa hoàn toàn. Vốn Việt Ngữ của họ gần như là mất hết, ngoại trừ Mary do làm quản lý ở một hãng có nhiều người Việt nên cô còn nói được chút ít.

Nhưng ba người họ vẫn không quên người mẹ và chị của mình. Họ về Việt Nam rất nhiều lần nhờ sự giúp đỡ của nhiều nơi .

Nhắn tin trên báo để tìm kiếm nhưng tất cả vẫn không có tin tức gì, họ cũng không có nhiều manh mối để mở rộng việc tìm kiếm…



Năm 2010 Peter lúc này đã 48 tuổi nhân dịp nghỉ thường năm anh ta dẫn theo cô vợ người Mỹ của mình là Jessica về Sài Gòn du lịch.

Lần đó khi đang ngồi trên chuyến xe tham quan của một đoàn du lịch chuẩn bị đi đến điểm vui chơi theo lịch trình .

Là người vui tính Peter trò chuyện cùng anh hướng dẫn viên là ngày xưa mình được sinh ra ở Sài Gòn .

Nhắc về kỷ niệm vô tình Peter nói rằng quê ngoại ở Xào Bân bằng một thứ tiếng Việt lơ lớ. Có một vị khách lớn tuổi trong đoàn nghe được. Ông ta nói là ông ta biết một nơi trước kia gọi là Xẻo Bần chứ không phải là Xào Bân.

Đó là một làng nhỏ do dân địa phương tự đặt tên ấy vì có cái rạch nhỏ chảy cắt ngang qua. Mà bây giờ không còn ai gọi là Xẻo Bần nữa họ gọi bằng tên một thị trấn khác.



Không biết có cái gì xui khiến Peter vội lấy giấy bút ra và nhờ ông ta ghi lại chính xác nơi đó bằng cái tên hiện hành ngày nay.

Bỏ dở chuyến đi chơi Peter cùng vợ ngược về Sài Gòn tìm đến trung tâm lữ hành du lịch và ngỏ ý muốn thuê một hướng dẫn viên thông thuộc miền Tây để đi đến địa danh mà vị khách lạ cho.



Khi họ đến nơi thì gần như không còn vết tích nào giống trong ký ức của Peter. Anh ta nhớ ngày xưa phải đi bằng thuyền nhỏ và cây cỏ hoang dại. Còn nơi anh ta đến ngày nay là thị trấn sầm uất đông đúc xe cộ chạy xuôi ngược .

Thấy vẻ thất vọng của Peter anh hướng dẫn viên cũng không biết làm sao hơn đành cùng người tài xế chở hai vợ chồng ông khách người Mỹ đi loanh quanh cho đúng theo trình tự một chuyến tham quan .

Xe chạy dọc những con lộ nhỏ và anh hướng dẫn viên giảng giải đây là một vùng chuyên về trồng trái cây .



Chợt lúc đó chuông nhà thờ đổ hồi chuông ban trưa thông lệ. Như có một thứ giác quan mách bảo Peter đòi được đến nơi đó .

Cả nhóm họ rời xe đi bộ trên con đường làng khi đứng trước căn nhà thờ có tuổi thọ gần cả trăm năm được xây từ thời Pháp đô hộ.

Peter gần như là không kèm được sự xúc động bởi anh ta nhận ra đây đúng là quê ngoại mình mà ngày xưa anh được mẹ dẫn về .

Qua bao nhiêu năm nhưng cũng may là cái nhà thờ ấy vẫn không thay đổi hình dáng kiến trúc cũ. Nhất là cái vị trí nằm ngay ngã ba sông rất đặc biệt .



Peter nhớ một cách rõ ràng như vậy do có một lần khi về quê chị lớn là Thu dẫn em trai mình đến đây chơi. Đang vui đùa chợt Peter tự nhiên bị chảy máu cam không rõ nguyên nhân khiến Thu hốt hoảng cầu cứu. Chính một vị ma-soeur hiền lành đã kêu Peter nằm ngay xuống trước sảnh nhà thờ và ngước mặt lên ngay cho máu ngừng chảy. Trong khi bà đặt chiếc khăn lạnh trên trán của Peter để hạ nhiệt độ.

Theo trong trí nhớ của Peter nhà bà ngoại đi bộ cách đó một đoạn nhưng hướng nào thì anh ta mơ hồ không nhớ nổi .



Vốn nhạy bén sau một hồi suy tính Peter nhờ anh hướng dẩn viên hỏi thăm những ai nhiều tuổi từng sống nơi đó về người đàn bà có tên Ba Thơm có con gái tên Thu .

Nhưng già trẻ không một ai biết bởi ngày trước chị ba Thơm chỉ thỉnh thoảng về thăm quê rồi đi. Số người còn lại họ đến ở nơi đây mới độ hai , ba chục năm thì làm sau biết chuyện ngày xưa cũ .

Thêm nữa ở quê người ta thường gọi theo thứ ít ai gọi tên nên chẳng ai biết người đàn bà mà Peter muốn kiếm là ai.



Cuối cùng Peter chỉ còn cách ghi lại địa chỉ khách sạn ở Sài Gòn nơi mình trú ngụ cùng số điện thoại cá nhân đang tạm dùng trong thời gian ở Việt Nam. Peter hứa sẽ hậu tạ cho bất cứ ai có tin tức về hai người mình đang cần tìm .

Đúng lúc kẻ ghi người viết thì có một người đàn bà đứng tuổi đi chợ về ngang do tò mò bà ta rẽ đám đông vào xem .

Khi biết rõ câu chuyện bà ta chậm rãi nói:

-Tui biết có chị kia ở cạnh nhà bà sui gái của tui .

Nghe đâu tên của chỉ là Hai Thu mà tui không nghe chỉ có anh chị em chi hết .

Chị mới về đây sống độ mấy năm thôi không biết có phải chị Thu gì mà ông ấy muốn kiếm không ?

Nhà chị ấy tuốt dưới xóm dưới đường hơi khó đi một chút.


Sau khi nghe anh thông dịch nói lại , không bỏ sót một tia hy vọng vào , Peter vội khẩn khoản bà ấy giúp mình.

Họ chọn ra giải pháp cả nhóm sẽ ngồi ở quán cafe đầu chợ. Trước là chờ gặp người tên Thu mà người đàn bà ấy vừa nói .

Sau là uống ít nước và nghĩ ngơi tạm bởi vì nhóm họ điều thấm mệt sau hàng nữa ngày trời đi tới đi lui.

Người đàn bà kia thì lên một chiếc xe honda ôm đã được Peter trả tiền tới nhà chị Thu và nhắn chị ấy có người cần gặp ngồi chờ nơi quán nước trước cổng chợ.



Buổi xế trưa, sau bữa cơm chị Thu đang cho mấy con gà ăn trước sân như thường nhật chợt có tiếng xe honda dừng trước cửa.

Khi nghe nói có ông tóc vàng mắt xanh cần gặp một người tên Thu trước sống ở Sài Gòn và cở bằng độ tuổi của chị vì có chuyện cần, chị hai Thu đã luống cuống tay chân, buông luôn cái thau đựng cơm nguội xuống sân nhà.

Chị không kịp cám ơn người đàn bà tốt bụng mà vội chạy vào lấy cái nón lá và lên tiếng gọi ông chồng mình đang lui cui sau vườn.

Tay chị run rẩy đến nổi không thay nổi cái áo bà ba nên chị mặc nó tròng đôi vào cái áo đang bận.

Chị lập cập không giấu được vẻ hồi hộp của mình khi ngồi lên chiếc xe do chồng mình nổ máy chờ sẳn chạy vội ra chợ.



Ở quán cafe mọi người không dấu được ánh mắt tò mò trước hai vị khách ngoại quốc đang ngồi chờ như ngóng trông ai đó.

Xe ngừng trước quán chị Thu bươn bả đi vào, đám đông khẽ nhích ra nhường lối cho chị .

Nãy giờ đi ngoài trời chói nắng nên chị lột vội cái nón lá quẳng vô góc để nhìn cho rõ, Peter cũng vội vã đứng lên .

Không cần phải nói hay hỏi han điều gì chỉ cần nhìn mặt Peter chị Thu đã biết đó chính là em trai của mình bởi Peter giống cha anh ta John Simth thuở xưa như tạc .

Chị Thu khóc ngất nói trong tiếng nấc:

-Em ơi ....Phú ơi ....

Cơn xúc động dâng lên cao độ khiến chị Thu loạng choạng như muốn ngất.

Peter vội đỡ lấy chị mình dìu chị ngồi xuống ghế anh ta cũng khóc khi nhìn gương mặt của chị Thu với những đường nét của mẹ mình ngày xưa.

Nhoài người tới ôm lấy người chị của mình Peter lắp bắp bằng một thứ tiếng Việt ngọng nghịu :

-Chị ... chị Hai ... Phú nè ...chị chị Hai …

Tiếng chị Thu miếu máo ngắt quãng từng chập :

-Mẹ mong chờ mấy em biết bao nhiêu... hu..hu ...mẹ mất rồi em ơi.

Trong khi Jessica vợ của Peter nhẹ đưa cánh tay vỗ vỗ lên lưng chồng mình như sẻ chia dù cô không hiểu chuyện gì đang xảy ra cũng như người đàn bà kia nói gì .

Thì chồng chị hai Thu biết rõ câu chuyện hơn do vợ mình thường kể nên anh cố giấu đi vẻ xúc động bằng cách nói như phân bua:

-Em của vợ tui, chị em ruột ấy thất lạc mấy chục năm rồi không tin tức chi hết.


Nhìn thấy một ông ngoại quốc cao lớn nắm chặt tay một người đàn bà Việt Nam mãnh mai miệng chỉ lắp bắp được vài chữ

''chị ơi..''.

Một số người trong quán hôm ấy khẽ lén lau đi giọt nước mắt vừa ứa ra.

*****

Một buổi tối của hai tháng sau.

Nhà chị Thu đèn đuốt mở sáng choang nhiều người đi tới đi lui. Mấy bà chị thì nhỏ to dưới bếp bên cạnh nồi cháo gà và vài món ăn nhẹ .

Họ lo không biết những ông bà người Mỹ ở nhà trên có ăn được những món ăn Việt Nam không và nêm niếm như vậy có vừa khẩu vị của họ chưa.

Vài người trẻ trong xóm ngồi ngoài mấy cái ghế tre trước hiên của nhà chị Thu.

Đôi ba ông cụ bà cụ lớn tuổi một chút ngồi trong phòng khách cùng chị hai Thu, Peter, Mary và Ann.

Họ tới mừng cho chị khi nghe được tin chị em trùng phùng sau bao năm và tò mò chờ nghe câu truyện có phần hơi ly kỳ của họ.



Bốn chị em của chị Thu ngồi trên bộ di văng nói chuyện với nhau.

Mary còn nói được chút ít tiếng Việt, Peter và thì nhớ được một vài câu xã giao ngọng nghịu.

Riêng Ann thì không nhớ một câu nào, cả ba người họ phải nói qua người phiên dịch đang ngồi trên cái ghế nhỏ cạnh đó.

Chị Hai Thu đưa khăn lên lau nước mắt khi nghe Peter kể sau khi ba chết họ về sống cùng ông bà ở nơi mới.

Đi học Peter hay bị bọn trẻ chọc ghẹo kỳ thị vì là con lai.

Khiến cậu ta đánh nhau đến nổi chút nữa thì bị đuổi học.

Chị lại cười khi Mary nói lúc về Mỹ muốn ăn trứng ấp thảo với cháo trắng như ngày xưa mẹ nấu ở Việt Nam nhưng đành chịu vì không biết cái trứng đó tên là gì.

Bao nhiêu năm Mary luôn cảm thấy tủi thân và không vui khi ai đó hỏi về nguồn cội bởi Mary không biết trả lời họ ra sau.



Ra vẻ ái ngại Ann nhìn họ rồi khẽ nói, qua người thông dịch rằng :

''Lúc đầu khi nhìn những tấm ảnh cũ ố vàng ngày xưa và nghe anh Peter thông báo tìm được chị và nhắn thu xếp về gặp nhau .

Cô được một vài người khuyên nên cẩn thận để tránh sự nhầm lẩn thậm chí biết đâu chừng đó là sự giả trá, lường gạt.

Vì khi đi cô là người nhỏ tuổi nhất rồi sống ở môi trường không có người Việt nên ký ức về chị trong cô không còn được rõ nét như hai anh chị mình.

Nên cô thật sự có phần dè dặt, không tin lắm nhưng trên đường về đây khi ghé qua quán ăn tạm ở dọc đường, chị hai Thu đã ngăn cô lại khi cô định ăn một bát súp.

Chị ấy nói rằng súp đó được nấu bằng tôm mà chị biết rõ Ann từ nhỏ đã dị ứng với đồ biển. Rồi chị nhờ người thông dịch hỏi giúp chị vết sẹo trên đùi Ann có biến mất theo thời gian không hay là to hơn.

Ann cố ý hỏi vặn lại vết sẹo gì ?

Chị Hai Thu nói ngày trước Ann từng bị té vào chậu hoa sau vườn nhà nên đùi có một vết thẹo khá dài , chính chị đã băng lại giúp cô.

Ann đưa khăn giấy chậm nước mắt bằng vẻ bối rối, xúc động cô ngỏ lời xin lỗi chị mình vì những nghi ngờ trước đó.

Bởi bây giờ cô đã tin chị thật sự là chị Hai của cô ngày xưa.

Ann hứa với chị khi về Mỹ sẽ cố gắng học thêm ít tiếng Việt để có thể trực tiếp nói chuyện với chị mà không cần phiên dịch.''


*****

Sáng hôm sau khi tia nắng bình minh vừa hiện ra ở chân trời , gió dìu dịu mùi sương sớm.

Trước ngôi mộ của dì Ba Thơm nơi phần đất hương hỏa giữa đồng.

Bốn mái đầu rấm rức khóc và cuối lặng thật lâu .

Trong mùi hương trầm và những bó hoa thơm lan tỏa lãng bãng, tiếng chị hai Thu nghèn nghẹn khấn :

-Má ...con dẫn mấy em đến thăm má. Xin má linh thiêng phù hộ độ trị cho chị em con và xin má an lòng yên nghỉ.



Một ngày cuối chiều ở sân bay, khi tiếng loa thông báo nhắc nhở tên ba vị khách còn lại của chuyến bay về Mỹ nhanh chóng ra cửa khởi hành.

Vòng tay của chị em họ lại vội vã ôm lấy nhau giữa khóc - cười họ hứa sẽ quay lại sớm vào một ngày nào đó cùng gia đình của mình.

Mary vội nói cùng chị bằng cái âm chưa chuẩn và quơ tay như minh họa cho lời nói:

-Em biết Việt Nam gọi ngày chết là đám giỗ rồi.

Đám giỗ má vào mùng 9 sau tết Việt Nam.

Tụi em sẽ về vào ngày đó hằng năm .

Chị Hai yên tâm giữ sức khoẻ .


Mắt chị Hai Thu vẫn còn đỏ và đầy nước nhưng miệng chị cười tươi .

Chị đưa cánh tay lên lưu luyến vẩy theo dáng những đứa em của mình đang khuất dần sau cánh cửa kiếng .



Có một dịp tình cờ nào đó sau tết âm lịch trong cái không khí hãy còn Xuân .

Bạn chợt ngang qua một thị trấn nhỏ xinh đẹp thuộc một tỉnh miền Tây đồng bằng sông Cửu Long .

Đi tới cái xóm nhỏ mà địa danh ngày xưa gọi là Xẻo Bần vô tình bạn nhìn thấy một nhóm người trên đường làng hay trong cái quán Phở ở chợ .

Nhóm người đó trung niên có, trẻ có, tây ta lẫn lộn .

Đôi khi cô gái trẻ tóc vàng mắt xanh cao lớn đang cố trọ trẹ học câu tiếng việt từ một cô Việt Nam cũng còn khá trẻ .

Rồi cũng có lắm lúc cô gái Việt Nam nói những câu Anh Ngữ để giải thích sự việc gì đó cho cô gái kia .

Thỉnh thoảng hai người trung niên lại nói tiếng Việt bằng một âm điệu chưa chuẩn lắm làm bà chị của họ bật cười.

Bạn đừng lấy làm ngạc nhiên bởi đó chính là đại gia đình của chị em họ và con cái thuộc thế hệ kế .


Những người họ khác biệt nhau về ngôn ngữ, chủng tộc, tập quán và ở cách xa nhau nửa quả địa cầu, hàng chục giờ bay .

Nhưng họ có chung một thứ, đó chính là dòng máu chảy trong huyết quản của họ có sự hiện diện của cái gọi là Ruột Thịt Tình Thâm .

Cuối cùng thì tất cả các dòng sông đều trở về biển như một quy luật muôn đời ....


Song Nhi

Nỗi buồn gỏi cá




image

Ông bạn nhậu phát biểu “Ăn gỏi cá sống chấm nước tương, vắt chanh, trộn mù tạt wasabi buốt thấu óc, chiêu thêm hớp rượu thì giun sán cỡ nào cũng từ trần hết. Gỏi cá mà thiếu rượu đâu khác gì xoài tượng thiếu muối ớt, đúng thế không?”

Quá đúng! Nhưng chỉ đúng câu cuối. Thủy sản cá tôm sò ốc hến mực bạch tuộc,…ăn sống rất dễ nhiễm ký sinh trùng. Trứng giun sán lơn tơn trên sông biển ao hồ, trung chuyển qua ốc, tôm, cua,…rồi chui vào sâu vào thịt cá. Con người ăn cá, vào tới hệ tiêu hóa, ấu trùng “nở” thành giun sán và bắt đầu sanh chuyện.

Khoảng 50 loại giun sán ký sinh được tìm thấy ở thủy sản, nói chung ít gây tổn hại, nhưng cũng có vài loại dữ dằn có thể gây chết người.
 
image
Sán lá gan nhỏ (clonorchiasis) khá phổ biển ở các loại cá nước ngọt như cá chép, cá diếc, rô phi.. Nó định cư và “làm việc” ở gan người, kiên nhẫn phục kích có khi tới vài tháng mới chịu tấn công nhẹ (rối loạn tiêu hóa). Loài sán này sống dai tới cả vài chục năm và đỉnh cao của nó là gây xơ gan, cổ chướng.
 
image
Một loại khác là giun đầu gai (gnathostoma), cũng thường thấy ở cá nước ngọt, tôm cua lươn ếch,…Giun này vào hệ tiêu hóa, xuyên ruột tung tăng tùy hứng: đi dưới da, vào gan, vào mắt, tủy sống. Chui tới não là coi như thua. Giun gnathostoma ở đâu phá đó, triệu chứng thiên biến vạn hóa tùy nơi cư trú. Giới y học rất khốn khổ với tên ăn bám này vì triệt thì dễ nhưng điểm mặt nó không dễ chút nào.
 
image
Người Việt dễ dính 2 loại giun trên
Cá sông khó chơi thì ăn gỏi cá biển cho sang? Cá biển cũng dính. Một loại ấu trùng của giun anisakis simplex được tìm thấy nhiều ở cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ, mực, bạch tuộc,… Giun anisakis một khi vào được bụng người cũng chạy lung tung, có khi tới não và gây tử vong. Người Việt ít dính loại này.

Người Nhật khoái ăn cá sống (sashimi), nhưng họ tuyển rất kỹ, cá phải tươi, ướp lạnh, lạng fillet, soi đèn (candling) dò ấu trùng. Kỹ lưỡng như thế nhưng hàng năm vẫn ghi nhận cả trăm ca nhập viện vì nhiễm anisakis ở Nhật.

Các nhà máy chế biến ở Việt nam cũng soi đèn fillet cá để phát hiện ký sinh trùng trước khi làm đông lạnh xuất khẩu. Hàng dạt ra (bị nhiễm) không biết chạy đi đâu?
 
image
Có điều giun anisakis chịu lạnh kém. Nếu làm theo quy trình cấp đông (deep freezing), đưa trung tâm miếng fillet cá xuống nhiệt độ – 20 độ C thật nhanh, sau đó trữ đông ở – 18 độ thì anisakis sẽ chết cóng. Lưu ý, cá tươi bỏ vào ngăn đá tủ lạnh (gia đình) chẳng nhằm nhò gì đâu.
 
Ấu trùng có nang (túi) bảo vệ, nên phải nấu chín hoặc hun khói nóng mới diệt được (trên 60 độ). Còn chơi tái tái, hun khói lạnh, sấy khô, vắt chanh, ngâm dấm, nhúng mù tạt thì anisakis vẫn khỏe re. Ngâm trong hỗn hợp nước muối 8 % và giấm 2,5% cũng phải 2 tháng mới diệt nổi.
Khẩu vị người Nhật rất tinh tế, họ không chịu ăn sashimi đông lạnh. Ướp lạnh thì được, nhưng ở nhiệt độ vài ba độ thì coi như anisakis đi… nghỉ mát.
 
image
Đành phải ăn “gỏi cá chín” thôi. Nhạt cả rượu! Ở mức độ rủi ro thấp hơn, có thể ăn gỏi cá biển đông lạnh. Nhưng rủi ro vẫn là rủi ro, đó là chưa nói tới nhiễm vi sinh. Có điều chắc chắn là rượu chẳng ép phê tí nào tới sự sống còn của ký sinh trùng cả.
 
 
Vũ Thế Thành

Hoàng Diệu còn lại trong tôi

Ngày Nhà Giáo Việt Nam 
(Hoàng Diệu Còn Lại Trong Tôi)
Lý Văn Hào CHS HD 64-71



Các Bạn Mình Ơi !

Theo lệ thường, và cũng như các nhà văn nói, trong đời học sinh người thầy/cô đầu tiên trong ngày đầu tiên đi học thường là người có dấu ấn sâu sắc nhất trong đời học trò.
Nhưng có lẽ, vì lúc ấy tôi còn nhỏ quá, và chắc tại vì vô tâm nên sao trong tôi hình ảnh người thầy đầu tiên của tôi lại nhạt nhòa quá !


Ngày đầu tiên tôi đi học, ba-má tôi dẫn tôi đến trường Tiểu Học Đại Ngãi (Long Phú) xin cho tôi vào học lớp Năm A (lớp một bây giờ) của thầy Chúa, tôi vô tâm đến đổi vẫn không nhớ thầy họ gì nữa !

Má tôi thì dỗ dành tôi bằng một khúc kẹo kéo bọc ngoài mấy hột đậu phọng rang béo ngậy và thơm.

Ba tôi thì đến gặp thầy để xin cho tôi vào học lớp của thầy. Dù khi ấy ba tôi đã là thầy giáo dạy học tại Nàm Xụ (Lịch Hội Thượng), rồi Bố Thảo (Mỹ Tú), nhưng khi gặp thầy, ba tôi vẫn khoanh tay, khom mình (không phải là cúi đầu) làm lễ với thầy để xin cho tôi vào học.

Nhìn cảnh tượng ấy, tôi đâm ra sợ thầy, đồng thời trong lớp không có những thằng bạn trong xóm chơi với tôi hằng ngày, vậy là sau đó tôi lại sanh tật trốn học, sau nầy biết ra, má tôi lại phải đưa tôi sang lớp của thấy Tăng để học chung với bạn mà khỏi phải trốn học nữa.

Nhưng có lẽ số trời ràng buộc tôi với thầy Chúa, thầy Tăng chỉ dạy tôi có 2 tuần rồi đổi đi xứ khác. Tôi lại trở về học với thầy Chúa !

Tất cả những gì về thầy còn đọng lại trong tôi là một ông giáo già, lưng đã còng, mắt ẩn sau cái kiếng già dầy cộp, râu tóc thì muối nhiều hơn tiêu ! Đít quần thì lúc nào cũng trắng vì bạc màu và vì đôi tay đầy bụi phấn của thầy lau vào đó theo thói quen ! Mỗi khi ghi bài dạy trên bảng, thầy luôn đi rảo qua các bàn học trò, sửa thế ngồi của từng đứa khi viết bài, sao cho lưng phải ngay, ngực không được dựa bàn để sau nầy không bị dị tật ! Đứa nào viết không đúng, chưa đẹp, thầy dừng lại cầm tay hướng dẫn rất là tỉ mỉ.

Hết năm học lớp năm tôi không còn gặp lại thầy nữa, thầy về hưu, chuyển về sống tại quê nhà rất xa !

Đến khi bắt đầu vào học trường Hoàng Diệu, nhất là vào những năm đệ nhị cấp, tôi mới có cảm nhận sâu hơn về tình thầy trò, nên mới có đôi dòng về những người thầy/cô đã dạy tôi mà tôi đã ghi lại trong bài ghi về kỷ niệm của những ngày học Hoàng Diệu.

Nay “chép lại” một phần trong bài “Hoàng Diệu Còn Lại Trong Tôi” để ghi vào đây với tấm lòng vừa là hối lỗi, vừa là tưởnng nhớ đến các thầy cô đã có ít nhiều phiền lòng về một “thằng” học trò ngày xưa có nhiều quậy phá hơn là chăm ngoan.

Các Thầy Cô Của Tôi Ở Hoàng Diệu Thân Thương

Trong suốt “tuổi học trò”, tuy là học với nhiều Thầy-Cô, “chung đụng” nhiều bạn, nhưng bao giờ cũng chỉ có vài Thầy-Cô, vài ngườì bạn mà mình nhớ mãi (tôi nghĩ chắc là ai cũng như “tui”?!):

1- Cô Nguyễn Thị Na (dạy Vạn-Vật), như trên đã nói, Cô Na chỉ dạy chúng tôi không đầy một tháng, nhưng trong tôi từ đó đến nay luôn nhớ về Cô. Chuyện là như vầy: khi lần đầu tiên cô nhận giờ ở lớp tôi (11B1), bọn con trai chúng tôi đứa nào cũng “ngẩn ngơ”, không hẳn là đẹp, nhưng cô trông rất trẻ. Thế là bọn con trai chúng tôi không hẹn mà đứa nào cũng xưng “con” với cô lại đệm thêm mấy từ “dạ kính thưa cô” mỗi khi bắt đầu trả lời Cô về một câu nào đó. Nhìn vẻ ngượng ngùng của Cô khi nghe chúng tôi xưng “con” chúng tôi lại càng làm tới hơn, kết quả là Cô không dạy chúng tôi nữa. Lúc đó, vì còn tính háo thắng, nên chúng tôi không có đứa nào bận tâm, thậm chí có đứa còn đổ thừa là tại Cô “yếu bóng vía” bọn tôi “chỉ đùa cho vui thôi mà”.
Nhưng sau nầy khi vào Trường Sư Phạm tôi mới thấm thía cái buồn của Cô, định tìm Cô xin lỗi thì Cô không còn dạy ở Sóctrăng nữa.

“Niềm ray rứt khôn nguôi” nầy còn đeo đuổi theo tôi cho đến bây giờ, và mong rằng có dịp, hoặc có “ai đó” gặp lại Cô thì “hãy nói dùm tôi” “Lời Xin Lỗi Muộn Màng” của tôi.

2- Thầy Nguyễn Ngọc Long, trong tất cả các Thầy tôi “thọ giáo” thì Thầy Long là người tôi lưu luyến nhất, tính cách của Thầy khi lên lớp được tôi bắt chước rập khuôn khi đi dạy: ngồi trên bàn khi giảng bài, không bao giờ phê học bạ xấu cho học sinh (khi tôi dạy thêm giờ tại Trường Tỉnh Hạt). Kỷ niệm sâu sắc của tôi về Thầy là sau gần 4 năm nhập ngũ, khi trở về trường dạy, giờ đầu tiên khi vào lớp (11B1) Thầy hỏi tên từng “em” trong lớp nhưng khi đến tôi thì Thầy nói “Hào, lúc nầy tiến bộ chưa?”. Cả lớp thắc mắc hỏi “Sao Thầy nhớ có mỗi mình nó vậy?”, Thầy Long trả lời (sau câu trả lời của Thầy tôi không biết trốn vào đâu nữa!! nhưng lại rất “tự hào”): “khi tôi dạy năm đệ lục, chỉ trong vòng 15 phút đầu giờ là nó phải bị quỳ gối về tội nói chuyện trong lớp, nên tôi nhớ!!!!”.

Trong giờ dạy Thầy rất nghiêm túc, nhưng sau giờ dạy thì Thầy đối với tôi và Trương Kiến Dũng như anh em, nhất là sau mỗi ván bóng chuyền, mấy Thầy trò chia nhau từng điếu Capstan “còng queo” trong túi để hút bên “xô” đá lạnh.

Sau ngày 30/4/75, khi nghe tin mấy Thầy đi học chính trị dành cho Giáo Chức tại Trường Providence Cần Thơ (gần Đài Phát Thanh Truyền Hình TP. Cần Thơ hiện giờ, lúc đó tôi cũng học chính trị tại điểm Trường Đại Học Cần Thơ) tôi chạy qua thăm Thầy, nhưng không gặp, chỉ gặp Thầy Lợi Minh Hà, và được cho biết là Thầy Long không được cho đi học vì là Phụ Tá Giám Đốc Sở Học Chính Vỉnh Long (tương đương Phó Giám Đốc).

Buồn quá!!!!

3- Thầy Phan Ngọc Răng, tôi chưa từng học với Thầy giờ nào, chỉ trò chuyện với Thầy mỗi khi có hoạt động văn nghệ, thể thao, hoặc làm “lon ton” trên văn phòng, nhưng ấn tượng Thầy để lại trong tôi là “anh hùng”, “quân tử”. Thầy cũng rất hiểu chuyện, không câu nệ: khi biết 3 đứa tôi (tôi, Kiến Dũng, Lê thanh Tâm) hút thuốc Thầy kêu 3 đứa lại bảo “tụi mầy có hút thuốc thì vào phòng “tao” mà hút, đừng đi loanh quanh trong trường để tụi nhỏ bắt chước, và để Thầy Quốc khỏi phải khó xữ”.

Tôi xin được ghi lại đây chuyện “anh hùng” (theo ý cá nhân tôi) của Thầy:
- Năm tôi học đệ Tam, có một nữ sinh (xin không nói tên) học lớp đệ Tứ có ý phê bình Thầy trên tờ “Bích Báo” của lớp. Thầy xuống lớp hỏi ai viết bài báo đó, lập tức “tác giả” bài báo đứng lên nhận. Thầy bảo “ngồi xuống” rồi ra khỏi lớp, không buồn hỏi tên. Lúc rảnh rỗi, tôi có hỏi Thầy về trường hợp đó (vì nghe có tin là Hội Đồng Kỷ Luật sắp họp để đuổi học tác giả bài báo) thì Thầy trả lời là “nó dám làm, dám chịu, rất anh hùng, bỏ qua”, vậy là em đó vẫn tiếp tục học, sau nầy trở thành cô giáo (chung khóa Sư Phạm với tôi).
- Năm đệ Nhị, như trên tôi đã nói ai sinh từ năm 1951 trở về trước đang học năm đệ nhị thì không được học nữa, phải vào “Đồng Đế” mà học (đi lính). Vậy mà Trần văn Quận vẫn học tại lớp 11B1, rồi 12B1, thi 2 kỳ Tú Tài bình thường. Sau nầy tôi mới biết là trong thời gian đó Quận là “lính ma” của Liên Đội 22 đóng tại Đại Ngãi, Thầy biết, nhưng vẫn cho Quận học, sinh hoạt thể thao như thể là không có chuyện gì xảy ra.
Sau nầy, mỗi khi bạn bè tụ lại “đấu láo”, Quận thường hay nói “nếu không có “Ông” Răng thì không có Quận như ngày hôm nay ngồi đây, mà có lẽ là đã ngồi trên bàn thờ từ lâu rồi!!!”.
- Năm tôi học Sư Phạm (1972 – 1973), lúc đó Cô Quốc (vợ Thầy Tô Quốc, đã mất) được tin Hội Phụ Huynh Học Sinh của Trường lấy Câu Lạc Bộ lại để Hội kinh doanh gây quỹ Hội, Cô Quốc không được bán nữa, Cô Quốc lo lắm, vì các con còn quá nhỏ, thân Cô lại đang cảnh góa bụa. Đang lúc “rầu rĩ” thì Thầy Răng đi thanh tra ở An Xuyên (Cà Mau) về ghé nhà Thầy Hưởng chơi, trong bửa cơm gia đình, Cô Hưởng “mách nước” “Chị Quốc có gì khổ tâm thì nói cho Anh Răng nghe đi”. Sau khi biết sự tình, Thầy Răng “xé” vội một tờ lịch trên bàn, ghi vào đó 02 số điện thoại rồi nói “đây là 2 số điện thoại, số trên là số tại Văn Phòng của tôi, số dưới là số nhà riêng, “THẰNG” nào không cho chị bán nữa, chị gọi cho tôi 1 trong 2 số nầy, bảo đãm là 24 tiếng đồng hồ sau “NÓ” về Cà Mau dạy”. Xong Thầy quay sang Thầy Hưởng (lúc đó là Hiệu Trưởng), đang lấy 1 phòng cuối dãy ngang làm nhà, vì lúc đó dãy có nhà dành cho Hiệu Trưởng đã giao cho Sở Học Chánh làm văn phòng, nói “Anh Hưởng à! Anh Quốc chết khi còn đương chức (Tổng Giám Thị) mình phải giúp gia đình anh ấy, con anh Quốc phải ưu tiên vào Hoàng Diệu học”. Sau đó thì Cô Quốc vẫn tiếp tục bán cho đến 30/4.

Sau năm 1975, lần đầu biết lại tin Thầy, tin Thầy mất ! là do Trần văn Quận thông báo!!

4- Thầy Võ Văn Thiên, đã là học sinh Hoàng Diệu, thì không mấy ai không biết “nhạc sư” Thiên. Phải nói trong nhóm học trò Hoàng Diệu, chắc có lẽ tôi và một vài bạn thôi, là học với Thầy Thiên lâu nhất, vì sau 4 năm học Đệ Nhất Cấp tại Hoàng Diệu, tôi lại được Thầy dạy thêm 2 năm tại trường Sư Phạm Sóc Trăng.
Trong suốt thời gian học với Thầy, tôi chưa từng thấy Thầy to tiếng với đứa nào bao giờ, lắm lúc giận quá thì chỉ “hừ hừ” trong miệng vài lần rồi thôi, không để bụng. Lúc nào cũng đối xữ với học trò như cha đối với con.

Hình bóng Thầy đậm mãi trong tôi, và chắc có nhiều anh-chị khác nữa, là lúc Thầy chỉ huy dàn đồng ca của trường trong các buổi lể, nhất là khi Thầy đánh nhịp bài “Khỏe Vì Nước”.

5- Thầy Lê Xuân Vịnh, ngoài những năm tôi học với Thầy tại Hoàng Diệu, tôi còn học với Thầy vào năm thứ nhất tại trường Sư Phạm, tôi nhớ nhất nơi Thầy là “tay trái chống nạnh, tay phải chụm lại rồi xòe ra như hoa nở, đoạn đưa tay lên sửa lại cặp kiếng, khi đôi mắt đang nheo nheo”, con người lúc nào cũng lo cho công việc, đôi khi vì quá lo cho công việc mà chuốc lấy cái không may vào thân !!. Đứa nào có lầm lỗi thì Thầy thẳng tay quát mắng rồi bỏ qua, không kỷ luật nặng đứa nào.

6- Thầy Tô Quốc, trong tất cả các Giáo Sư của trường (mà tôi biết) Thầy Tô Quốc, có thể được coi như là người được kính trọng, yêu mến của cả học sinh, đồng nghiệp. Thầy lúc nào trông cũng nghiêm nghị, ít cười, ít nói, sống rất “khép kín”. Tuy nhiên, khi gần Thầy lâu mới “thấy vậy mà không phải vậy”. Khi có đứa nào phạm lỗi, Thầy rất nghiêm khắc phê bình, rầy la mà thời đó bọn tôi nói đùa là “tụng cho một thời kinh” (giảng dạy rất lâu), nhưng sau đó rôi thôi, không để tâm, không phê học bạ xấu, không thành kiến với học trò phạm lỗi. Trong các cuộc họp Hội Đồng Kỷ Luật của trường, bao giờ Thầy cũng nói đỡ cho “tội nhân”.

Tiện đây tôi cũng “mạn phép” kể ra câu chuyện nầy:

Năm đó là năm tôi học lớp 11, vào đầu năm học, nhà trường có họp để xét trao học bổng cho các học sinh giỏi. Trong khi duyệt xét thì đến em gái tôi (đang học lớp 8) thì có một Thầy (xin phép không nêu tên) đứng lên phản đối, khi được hỏi lý do, thì lại đưa ra một lý do rất là “tào lao cốt chí”: “(vì) nó là em của Lý văn Hào” (!?!?). Trong khi các Thầy-Cô trong Hội Đồng con đang “ngơ ngác” thì Thầy Quốc nói ngay: “tôi phản đối lý do đó, vì tội ai làm thì nấy chịu, không thể thằng anh ăn mặn mà con em khát nước được. Vã lại, Hào nó tuy có nghịch phá, cũng là chuyện thường của tuổi học trò thôi, cũng chưa nghe Vị nào trong Hội Đồng Giáo Sư phàn nàn, và cũng chưa bị kỷ luật lần nào”. Trong khi các Thầy-Cô còn đang phân vân (vì ngại làm phiền lòng đồng nghiệp!) thì Thầy Quốc “hội ý” với Thầy Răng, sau đó Thầy Răng thuyết phục Hội Đồng, và nhân danh Chủ Tịch Hội Đồng chấp thuận cấp học bổng cho em tôi.

7- Thầy Nguyễn Bình, tôi biết Thầy Nguyễn Bình đã lâu, nhưng mãi đến năm lớp 12 mới học với Thầy. Năm nầy, vì mãi lo “quyét dọn Con Đường Có Lá Me Bay” nên tôi ít tiếp xúc với Thầy, thậm chí còn “cúp-cua” nữa. Thầy sống rất tình cảm, đứa nào chậm trể học phí khi học “lò” Đồng Tiến thì Thầy đều can thiệp cho chậm trả để khỏi lỡ việc học.

Hình như tôi với Thầy có duyên nợ hay sao đấy mà tôi gặp lại Thầy trong 2 trường hợp hi hửu sau:
- Lần đầu, năm 1972, khi đó tôi học năm thứ nhất Sư Phạm, về trường dự thi Tú Tài 2 lần “thứ 3” (diện thí sinh tự do). Có một nữ sinh (không tiện nêu tên) học rất giỏi, nhà ở Bãi Xàu, vào buổi chiều thi chót (môn Vạn Vật) em đó vào trể giờ (phong bì đề thi đã xé) Giám Thị phòng không cho em vào thi (vậy là phải rớt), tôi lên “năn nỉ” dùm mãi mà Cô Giám Thị vẫn không đồng ý. May sao! Lúc đó Thầy Bình (là Giám Thị Hành Lang) đi đến, tôi chạy lại “trình bày” câu chuyện với Thầy, Thầy hỏi 2 vị Giám Thị Phòng “đề thi phát ra chưa?” khi biết là chỉ mới xé niêm phong, chưa phát đề, Thầy bảo “thôi cho nó vào thi đi, tội nghiệp nó”. Kỳ đó em đó đậu, lại đậu cao nữa!!!
- Lần thứ hai, năm 1974, tôi lại về trường thi Tú Tài 2 lần “thứ 9” (mỗi năm có 2 lần thi Tú Tài 2, riêng 2 năm 72 và 73 mỗi năm thêm 1 khóa, Bộ thì thông báo là giúp học sinh, còn bên ngoài thì cho là vì con các ông lớn rớt dữ quá nên mở thêm để cứu). Năm nầy là năm đầu tiên tổ chức thi các môn dưới hình thức Trắc Nghiệm, chấm bằng máy IBM (nên “người bình dân” gọi là Tú Tài IBM!!!) nên cách điền biểu mẩu rất là rắc rối, “trịch” một chút là máy loại ngay (chấm rớt). Năm nầy tôi đã đi dạy học rồi, mà thời đó mỗi khi có “gác” (gác thi, gác bầu cử) thì giao cho “Thầy-Cô-Giáo”, do vậy trước ngày gác thi, tôi được Sở Học Chánh đưa Sự Vụ Lệnh cử đi gác thi (làm Giám Thị Phòng), gọi về Sở hướng dẩn cặn kẻ việc ghi biểu mẫu. Nhưng vì tôi “mắc” phải đi thi nên không đi gác thi được.
Ngày vào phòng thi, Cô (lại là cô nữa!) giám thị phòng lên bảng hướng dẩn cho các thí sinh điền biểu mẫu. Tôi còn nhớ Cô nầy là Giáo Sư Công Nhật (đậu Tú Tài 2 không tốt nghiệp từ trường Sư Phạm, xin dạy giờ trường Tỉnh Hạt ở Long Phú), không có đi “tập huấn” ở Sở Học Chính. Chỉ nghe hướng dẩn ở Phòng Hội Đồng Thi ngay trước giờ gác thi, nên hướng dẩn không đúng. Tôi có nói nhỏ với Cô là “Cô hướng dẩn chưa đúng” thì bị nạt “em là thí sinh mà em giỏi hơn tôi là Giám Thị sao?”. Thời may, khi đó có Thầy Giám Thị Hành Lang (lại là Thầy Nguyễn Bình!!) đi đến, Cô Giám Thị chạy ra hỏi thì quả là cô ấy sai. Sau khi “chỉnh lý” xong, Cô đi lại hỏi tôi “sao em biết tôi sai vậy?”, lúc nầy tự nhiên “máu cà rởn” trong tôi lại nổi lên: “dạ không dấu gì Cô, trong túi “Con” một bên là Sự Vụ Lịnh đi gác thi, một bên là Phiếu Báo Danh nên “Con” biết!!!”.

Năm đó tôi đậu “Tú Tài IBM”. Không biết khi so với Ông Tú Xương (. . . tám khoa chưa khỏi phạm trường quy . . .) thì sao nhĩ!?!?

8- Người Thầy tôi sắp kể ra đây thì chưa hề dạy Hoàng Diệu một giờ nào cả! nhưng lại được nhiều học sinh của Hoàng Diệu “thọ giáo”. Đó là Thầy Trần Xưng Thấu, người chuyên dạy cho các trường Tư Thục trong tỉnh, và là người dạy thêm nổi tiếng, nhất là “Luyện Thi Tú Tài 1”.

Đến đây, tôi xin được nói thêm một chút, lúc đó tại Sóctrăng có 3 “lò” luyện thi, "lò" lâu đời nhất là “lò” Thầy Thấu (Toán – Lý Hóa), kế đến là “lò” Đồng Tiến (Thầy Hoàng Việt Sơn –Anh văn, Thầy Ngô Trọng Bình – Anh Văn, Thầy Nguyễn Bình – Toán, Thầy Lâm Ngọc Linh – Lý Hóa, sau có thêm Thầy Nguyễn Ngọc Long), sau ra thêm “lò” Lam Sơn (Thầy Lâm Cộng Hưởng – Toán, Thầy Dương Minh Tự - Toán, Thầy Nguyễn Đình Sinh – Triết học, Việt Văn). Thầy Thấu là người “theo thuyết thực hành” do đó Thầy khi dạy chú trọng cho bọn tôi làm bài tập thật nhiều (tại lớp) cũng như ở nhà. Thầy thường xuyên nhắc bọn tôi là “không ai ngồi nhìn người khác đạp xe, bơi lội mà biết lội” và “trong kỳ thi Tú Tài tất cả các “con ngựa (môn thi) phải đồng chạy lên dốc, nếu để chỉ vài “con ngựa” có hệ số cao (Toán-Lý-Hóa của ban B, Vạn Vật-Lý-Hóa của ban A) kéo thêm các con có hệ số thấp (Sinh Ngữ 1, Sinh Ngữ 2, Công Dân, Sử-Địa, Vạn Vật của ban B, Toán của ban A) thì rất là khó đậu như chính bản thân tôi đây làm điển hình !!!”

Kể “dài dòng văn tự” về Thầy Thấu, để cho thấy là các Thầy dạy Hoàng Diệu rất là “phóng khoáng”. Các Thầy (đều là “dân” tốt nghiệp Đại Học) chỉ cần sao cho “2 lần 2 là 4” là cho điểm chứ không cần phải đúng theo lời văn (lời giải) của mình như các Giáo Sư hiện giờ (chỉ cho điểm cao em nào học thêm với mình)!!!!
(20/11/2014)

Lý Văn Hào chs HD 64-71

Lại một chương


Lại một chương

Một buổi tối của tuổi mười lăm, cô Chín Tím được tìm thấy dưới chân cầu Tân Thạnh. Rách mướp, nhưng tay cô nắm chặt tới mức người ta chỉ có thể mở ra từng ngón một. Giữa lòng tay xanh lạnh, là một cái nút áo.

Tròn, màu trắng đục gợn nâu, vật chứng duy nhất cô Tím tóm được kẻ thủ ác đã chuyền qua tay từng người trong xóm, với hy vọng ai đó từng nhìn thấy nó hoặc anh em còn lại của nó. Cái nút có thể bị bứt ra từ áo trắng học trò, áo xám của anh đò dọc, áo kẻ của ông thầy giáo, áo chim cò của mấy thằng người hay ôm gà nòi đi cáp độ.


Nhưng chỉ có vậy, của bất cứ ai, bằng nhựa, lợn cợn trắng nâu, chỗ đính chỉ vô áo bị gãy, cái nút không nói gì không kể gì thêm. Người có thể kể thì lơ tơ mơ mỗi chuyện mình bị bịt miệng từ phía sau bởi một cánh tay cứng đanh, sau đó ngất luôn không biết chi trời đất. 

Thiêm thiếp trên chiếc giường trạm xá, đôi lần tỉnh dậy cô Tím lại dập đầu vào tường, người ta phải nhồi thêm thuốc ngủ cho cô lịm đi. Ai tới thăm bà nội thắc thỏm mỗi câu “thiệt là quân ác nhơn, không lấy gì đắp cho con nhỏ”, như thể chuyện con gái bà phơi lạnh quan trọng hơn hết thảy chuyện khác.

- Khóc chừng nửa năm thì tôi nín. Anh cũng biết đó, nước mắt đâu mà khóc hoài.

Làm ra vẻ dửng dưng, cô Tím kết câu chuyện của mình, để giải thích cho anh con trai hiểu sao qua tuổi ba mươi mà cô chưa chồng, sao cổ cô đeo sợi dây chuyền bạc xỏ qua một cái nút áo. Cuộc coi mắt sẽ kết thúc ở đó, nhưng có khi kết thúc ngay lúc người con trai ghé cái quán đầu xóm để hỏi nhà Chín Tím. Phải Tím Nút Áo thì qua doi kia là tới. Vụ nút áo là sao hả ? Vầy, hồi con nhỏ mười lăm tuổi…

Chắc phải bỏ xứ đi con Tím mới mong kiếm được tấm chồng, bà nội hay rên rỉ vậy. Nhưng cô phải ở lại, hy vọng tìm được kẻ hại mình. Gã phải là người trong xóm mới thuộc lòng những chiều thứ sáu, cô Tím về nghỉ cuối tuần, xe lam chạy từ chợ về tới đầu xóm thì trời đã nhập nhoạng. Phải là người trong xóm mới đánh ngất cô để khỏi bị nhận mặt. Trong tay chỉ có cái nút áo câm, không đủ làm ra công lý của người, nhưng cô tin luật trời, thằng bất lương đó phải có khi lơ là mặc lại cái áo có hàng nút tật nguyền, hoặc sẽ biến sắc khi nhìn thấy dấu vết tội ác lủng lẳng trên cổ cô.

Suốt nửa năm dành cho việc khóc, cô Tím trốn ở trong nhà, thế giới của cô chỉ từ cửa giữa ra sau bếp. Nếu không phải nấu cơm giặt giũ cô sẽ săm soi nút áo, như nuốt trộng bằng mắt, ghi khắc, đóng đinh nó vào lòng mình. Một bữa cô Tím hỉ mũi cái rột, lấy cùi tay lau nước mắt, nói với chị dâu, mai đi coi cúng đình.

Chín Tím bắt đầu lảng vảng những chỗ đông người. Hay đi bộ ngoài đường, gặp người đàn ông nào cũng nhìn nghiến ngấu. Chẳng quan tâm mặt mũi vuông hay tròn, chân ngắn hay cong, chỉ nghĩ coi mặt họ có biến sắc không, áo có đứt nút không. Kẻ bất lương đang núp sau mặt nạ của anh Bảy dượng Ba, những người đàn ông sớm xỉn chiều say, hay chính ông ấp trưởng có ánh nhìn lén lút, không chừng. Cô tin mình sẽ nhận ra gã bằng thứ linh cảm được chuốt nhọn trong từng ấy tháng ngày. Mùi mồ hôi tay, hơi thở dày như tát lửa vào gáy cô, và tiếng tim gã lồng lên trong ngực. Chắc chắn mình sẽ bắt được quân bất nhân đó, cô Tím nghĩ vậy. 

Bà nội tự dưng lo, “coi chừng gánh nút áo còng lưng”. Quãng đó bên sông có anh thợ máy nhờ mối mai qua hỏi cưới. Cô Tím cũng hơi xiêu lòng, nghĩ hôm cưới sẽ mời đông, biết đâu oan gia của mình cũng tới. Bữa Thợ Máy xách cặp vịt qua nhà xuống mối, nhìn thấy nút áo trên cổ cô Chín, anh chết lịm. Anh bảo từ  đẻ ra đã sợ nút áo rồi, nên mặc toàn áo thun tròng cổ, cũng không biết sao lại sợ, chắc kiếp trước bị một vốc nút chèn ngang họng chết oan. Cứ thấy nút áo Thợ Máy sẽ không thở nổi, mà Tím thì lúc nào cũng treo tòng teng trước ngực, cưới nhau sao giờ.

Chỉ cần gói cái nút giấu đáy tủ hay quăng phứt ra vườn, là tháng Giêng sang năm có pháo rước dâu,  bà nội rên rẫm. Chín Tím đóng cửa buồng nói vọng ra, “vậy khác gì bỏ qua cho ”. Chủ nhân của nút áo giờ biết đâu đang nằm tréo nguẩy cho vợ nhổ tóc bạc, hay thảnh thơi lắc võng ca vọng cổ, biết đâu ngồi coi đá cá lia thia. Hình dung đó làm cô Tím thấy mình bốc khói. Phải có ai đó trả giá cho cái cảm giác buốt ruột, buồn ói mỗi khi bước qua cầu Tân Thạnh, cho những ánh mắt thương hại dính vào người, cho tuổi hai mươi héo rượi.

- Tôi mà đi theo anh rồi thì tụi vô lương đó sẽ thảnh thơi đã đời, vậy đâu được.

Sau câu nói đó, thêm một người đàn ông ra về khi vừa mới ngồi ấm chỗ bàn trà nhà nội. Anh này không ghê nút áo, chỉ ở hơi xa. Cô Tím không ngại lấy chồng cách nhà mười ba cây số, cảnh lạ người lạ, cọ bụng chồng sẽ làm mối thù mòn mỏi. Nút áo còn cô còn nhớ mình từng tơ tướp bên cỏ chân cầu. Nhưng cái sự vắng mặt của cô sẽ làm  thoát nơm nớp ám ảnh, vậy thì ông trời làm gì có mắt. Chín Tím chọn làm gai, không làm đàn bà nữa.

Một bữa bà nội lén cắt sợi dây chuyền lúc con gái ngủ trưa, bà nội quăng cả dây và nút áo xuống ao bông súng. Ai ngờ chỉ chút xíu vầy mà nặng, bà nội nghĩ vậy khi nhìn những vòng sóng dần lặng, nước khỏa dấu vết của cái nút áo vừa chìm xuống. “Bỏ đi. Sống đi. Sống như thiên hạ vậy”, bà trệu trạo bảo khi Chín Tím dậy quờ quạng cái cổ trống không. “Họ đâu có nằm phơi bụng dưới chân cầu”, cô cãi, chậm rãi ra ngoài ao bông súng không phải để nhìn bông súng. Bà nội mướn người bơm đất lấp ao, cảm thấy hành động ấy quá chừng vô vọng. cô Tím vẫn nhìn thấy bên dưới cỏ, dưới rễ cây mít, dưới từng lớp đất nâu nhão nhoét, có cái nút áo.

Nọc con rắn hổ đất chạy từ cổ chân lên tim cô Tím vào năm cô bốn mươi hai tuổi. Nhưng người ta cảm giác cô chết lâu rồi, đã lâu linh hồn chôn cùng cái nút áo.


Tròn, bằng nhựa cứng, trắng gợn nâu.


Nguyễn Ngọc Tư